Nhạc sĩ Phạm Duy “bật mí” về phổ nhạc cho thơ

(Dân Việt) – “Những câu ca dao hay nhất, tôi đều đã phổ thơ như “Đố ai”, “Nụ tầm xuân”… Tôi là người chủ trương đưa văn nghệ nông thôn lên cao hơn”, nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự với Dân Việt.

Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, hình như trong ông có một niềm yêu thích mãnh liệt với công việc phổ thơ?

– Các ca khúc của tôi, về phần lời ca, đa số do tôi soạn, còn một số là những bài thơ đã nổi danh hay chưa ai biết tới khi được tôi phổ nhạc. Lý do cũng rất giản dị. Tôi yêu thơ từ bé. Lớn lên nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ. Tôi có một người bạn gái rất yêu thơ tiền chiến và làm tới 300 bài tặng tôi. Trong số đó tôi đã phổ được 5-10 bài, như bài “Tôi đang mơ giấc mộng dài”, “Đừng xa nhau” là lời thơ của cô ấy.

1436321571-010611_van-hoa_pham-duy
Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn rất phong độ ở độ tuổi vượt ngưỡng 90. Ảnh: Mạnh Cường

Phổ nhạc cho thơ lục bát thường khó thoát khỏi nhịp điệu có sẵn của thể thơ này, nhạc sĩ đã vượt qua giới hạn đó như thế nào?

– Nếu phổ thơ mà cứ theo tiết tấu có sẵn của thơ lục bát thì vô duyên quá, mình phải sửa lại thôi. Mỗi bài tôi lại sửa theo cách khác nhau, có “xảo thuật” để thổi vào đó một hơi thở mới. Ví dụ như bài “Tiếng sáo Thiên Thai” mà tôi soạn vào năm 1952. Phổ nhạc bài này, tôi đã bắt thơ phải chạy theo nhạc, tức là đặt quy tắc nhạc lên trên thơ. Những câu thơ của Thế Lữ không còn là thơ lục bát nữa và được sắp đặt lại để có được một âm điệu thích hợp.

Là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy có số lượng tác phẩm đồ sộ với khoảng 1.000 ca khúc đa dạng về thể loại.
Trong số các sáng tác của ông, phải kể đến hơn 200 ca khúc do nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ, khởi đầu từ “Cô hái mơ” phổ thơ Nguyễn Bính năm 1942 rồi hàng loạt các sáng tác phổ thơ của các nhà Thơ Mới như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ… đến phổ nhạc cho thơ trữ tình, thơ về chiến tranh và hòa bình, thơ Đạo, ca dao và gần đây nhất là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Soạn những ca khúc phổ nhạc cho thơ có khác gì với việc soạn cả nhạc và lời cho một ca khúc?

– Phổ thơ thì dễ hơn một chút vì có sẵn lời rồi, dù lời có thay đổi đi, nhưng ý thì có sẵn rồi. Còn nếu viết cả ca từ thì có khi mình sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn. Khởi sự là một người soạn ca khúc, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc và nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ.

Qua các sáng tác phổ thơ, có thể thấy rằng nhạc sĩ Phạm Duy dành nhiều tình cảm cho các giá trị văn hóa dân gian VN?

– Tất nhiên rồi! Những câu ca dao hay nhất, tôi đều đã phổ thơ như “Đố ai”, “Nụ tầm xuân”… Tôi là người chủ trương đưa văn nghệ nông thôn lên cao hơn. Thường người ta hay theo cái mới bỏ cái cũ, tôi thì lại chú trọng giữ gìn những vốn cũ, không phải vì tôi hoài cổ đâu, mà quan niệm rằng phải giữ cái gốc của mình đã, rồi muốn phát triển gì thì phát triển sau.

1436321572-130_8_nhac-sy-pham-duy-va-nhac-sy-pham-tuyen
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Tuyên trong buổi giao lưu “Thơ phổ nhạc” tại Hà Nội.

Vốn cũ ở đây ví dụ là những giai điệu bình dân, những bài dân ca như cò lả, chèo. Nhiều ca khúc của tôi mang màu sắc dân ca, như bài “Nhớ người thương binh” nghe kỹ có hơi hướng cò lả, “Dặn dò” hoàn toàn là một điệu hát ru của Việt Nam…

Được đào tạo ở nước ngoài và tiếp thu nền âm nhạc phương Tây, vậy những vốn liếng âm nhạc dân gian của nhạc sĩ bắt nguồn từ đâu?

– Tôi đã có một tuổi trẻ sống ở đồng quê, đi học hát chèo, hát quan họ ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang từ những năm mới 17-18 tuổi. Tất cả điệu dân ca cổ truyền tôi thuộc hết. Vì thế, về sau khi tôi làm những bài hát nhạc mới, tự nhiên vốn liếng nhạc cổ của tôi cứ hiện lên mà không phải suy nghĩ gì.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy.

Khánh Linh (thực hiện)

Tác giả bài học đầu cho con

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm giới thiệu xuất xứ một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Trung Quân mang tên “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc với tên tựa “Quê Hương”.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Mời quý vị theo dõi qua cuộc nói chuyện với chính tác giả bài thơ.

Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của ông. Năm 1976, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ của ông đã trở thành nổi tiếng như Hương Tràm (1978) được Vũ Hoàng phổ nhạc, Chút Tình Đầu cũng với Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài “Phượng Hồng” (1988), Bài Học Đầu Cho Con (1986) được Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương”.

Bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” và ca khúc Quê Hương

Vào đầu thập niên 1990 khi bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đưa vào ca khúc đã chiếm được cảm tình của người nghe và nhanh chóng trở thành bài hát được phổ biến nhiều nhất liên tiếp trong nhiều năm trời. Từ trong cũng như ngoài nước, bài thơ đã khơi động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt xa xứ bởi lời lẽ tưởng chừng bình dị nhưng lại rất khéo léo gợi tâm lý quê hương qua hình ảnh quen thuộc của người mẹ Việt Nam. Có một điều đáng nói là tuy nổi tiếng nhưng bài thơ cũng gặp không ít phê phán gay gắt, nhất là những người xa nước bởi một câu cuối kết thúc của bài thơ. Người nghe thật sự bị hụt hẫng khi đang trong tâm trạng bị thuyết phục bởi những hình ảnh quen thuộc thân thương trong ký ức bỗng dưng nơi cuối cùng của bài thơ một âm thanh nghiêm khắc vang lên như kết án những con người lưu lạc…thế là người ta vừa thích vừa ghét, vừa muốn nghe tiếp lại vừa bực bội tắt máy khi sắp đến những dòng cuối cùng…

Chúng tôi có dịp nói chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Quân về thi ca, văn nghệ trong cũng như ngoài nước. Đáng lẽ đề tài được nói đến sẽ là nhiều bài thơ cũng như hoạt động văn nghệ của anh, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại muốn hướng đến câu hỏi mà nhiều năm nay tôi vẫn để đó chờ dịp được hỏi. Câu hỏi này chúng tôi chắc cũng rất nhiều người muốn nghe, và nhân đây mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, cảm ơn anh đã dành cho chương trình VHNT của Đài Á Châu Tự Do. Nói về những hoạt động văn nghệ của anh tôi tin rằng sẽ rất lý thú, nhưng cũng như anh đã biết thời gian của chương trình không cho phép, vậy thì nên chăng xin đề nghị là chúng ta sẽ nói về một bài thơ của anh mà thôi, vì chính bài thơ này đã làm nên tên tuổi của Đỗ Trung Quân. Nếu được, xin anh đọc lại cho thính giả nghe tác phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” vì theo tôi biết giọng đọc của anh cũng hấp dẫn không kém khi anh làm thơ…

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Bài thơ có tựa là “Bài Học Đầu Cho Con”.

Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ…” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một chút sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết và khi để nó ra, nó sống hay nó chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác. Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất là xa, nó có thể gây yêu mến nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ngộ nhận.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ…

Bài thơ kết thúc ở đấy, thưa quý vị.

Mặc Lâm:Thưa anh Đỗ Trung Quân, xin thứ lỗi nếu tôi nói không chính xác vì thật ra bài thơ còn một câu cuối nữa mới thành khổ thơ tứ tuyệt, tức là bốn câu, vì anh chỉ đọc có ba câu mà thôi. Trong nhạc phẩm “Quê Hương” do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này có hai câu cuối là: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người….Xin anh cho biết đâu là nguyên bản…

Thêm một câu cuối

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Dạ. Thưa anh và thưa quý vị, bài thơ này được đăng lần đầu vào năm 1986, xuất xứ của nó là hồi đó tôi đề tặng bé Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bây giờ. Khi tôi đề tặng thì Quỳnh Anh mới chỉ được một tuổi thôi. Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng. Những người biên tập bài này là chị Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang. Chị Việt Nga thì cũng đã mất vị bạo bệnh.

Mặc Lâm:Anh có thể cho biết cụ thể hơn một chút xíu về việc này không, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ…” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.

Mặc Lâm:Và sau khi biết bị báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ của mình như vậy thì anh có phản ứng gì không, và những lần tái bản sau thì bài thơ có được sửa lại cho đúng không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Khi tôi thấy họ sửa và bỏ một vài đoạn nên khi đăng lại vào năm 1991 ở trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp (thơ, 1991) thì tôi đăng lại nguyên bản, và nguyên bản thì nó có khác với bài đầu tiên do khi đó đã được cắt bớt một vài đoạn và thêm một câu là “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Thì, thưa anh, khi tôi đăng lại thì nó có khác. Thật ra mà nói thì nhạc sĩ phổ theo cái bản của năm 1986 chứ không phải là theo bản của năm 1991.

Tập thơ “Cỏ Hoa Cần Gặp” (1991) thì trước khi rời Việt Nam thì nhà thơ – nhà dịch giả Hoàng Ngọc Hiến in cho tôi, và cái bản chính của nó là nằm ở tập này, không có câu cuối cùng.

Thưa anh, bây giờ thì nói như thế thì tôi có một phản ánh lại là chị Việt Nga là người biên tập bài này,cũng như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã mất rồi, tôi là người còn sống, nói thế nào đó nó cũng là khó ở chỗ là những người đã mất thì không nói lại được và tôi rất ngần ngại.

Mặc Lâm:Như vậy thì nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã phổ bài thơ này trước khi được anh đăng lại phải không thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Anh Giáp Văn Thạch đã phổ theo bài thơ năm 1986 là bài thơ đã được bớt một vài đoạn. Nếu quý vị để ý thì sẽ thấy là không có một đoạn mà tôi viết tiếp là:

“Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi.

Khi tôi làm bài thơ này, tôi gửi cho bé Quỳnh Anh. Chúng tôi lúc đó là bạn với nhau. Giai đoạn đó thì ai cũng nghèo. Tôi không có gì làm quà cho cháu Quỳnh Anh, mà Quỳnh Anh bây giờ đã là một cô gái 23 tuổi, học ở Pháp. Thế thì khi tôi tặng như vậy thì tôi chọn một bài thơ cho trẻ con và tôi chọn một thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đó là thơ 6 chữ, thơ 5 chữ – thơ 6 chữ đó, một thể thơ dễ thuộc ở Việt Nam. Và những hình ảnh thì tôi chọn những hình ảnh rất là gần gũi: cây khế, cầu tre, con diều…

Mặc Lâm:Anh vừa nhắc đến từ “con diều” khiến tôi nghĩ rằng anh đã thiếu mất đoạn này vào lúc đầu anh đọc bài thơ đó ạ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Lúc nãy tôi đọc hình như có thiếu một đoạn thưa quý vị. Đó là:

“Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông…”

Xin thứ lỗi là vì tôi cũng không thuộc thơ mình lắm. Tôi xin được bổ sung một đoạn như thế. Và nó ra đời ở trong một cái giai đoạn là, xin quý vị nhớ giùm là năm 1986, khi đó văn chương ở Việt Nam hầu hết còn ở trong giai đoạn động viên xã hội chủ nghĩa, tức là lao động, tức là một chút gì đó còn có chiến tranh. Cái bài thơ này hoàn toàn không dính dáng tới cái đó bởi vì tôi làm để tặng cho một cô bé còn rất là nhỏ và mới chỉ một tuổi. Và những hình ảnh đó, tôi nghĩ rằng nếu có hình dung là cháu lớn lên sau này, cháu có đi khắp nơi, đi tới nước nào cũng vậy, ở đâu nó cũng thế. Thì những hình ảnh đó cháu mang theo và đó là đất nước của mình. Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một chút sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết và khi để nó ra, nó sống hay nó chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác. Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất là xa, nó có thể gây yêu mến nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ngộ nhận. Tất cả những cái đó thì đó là số phận riêng. Tốt nhất là thôi cứ để nó có số phận của nó.

Mặc Lâm:Chúng tôi cũng được nghe là anh đã giao lại tác quyền bài thơ này cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, sự thật như thế nào, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Thưa anh và thưa quý vị, trong vòng 7 năm nay tôi đã làm một văn bản cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam là tất cả những liên quan đến bài thơ “Quê hương” thì xin được chuyển hoàn toàn cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch những gì thuộc về vật chất. Tôi đã làm một bản ủy quyền cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã chấp nhận cái thơ tay này của tôi. Gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch thì thật ra mà nói cũng rất khó khăn. Rất tiếc là ảnh mất sớm. Tôi nghĩ là cái việc mà tôi làm nó cũng như mọi người ở Việt Nam là nó cũng thuộc đạo lý Việt Nam thôi. Nhưng mà bản quyền ở Việt Nam thật ra mà nói thì cũng không nhiều đâu. Cái điều đó cũng không giúp cho gia đình ảnh bao nhiêu, nhưng mà cá nhân tôi thì xin phép là tôi đã chuyển gần 7 năm nay tôi chuyển tất cả những gì liên quan đến ca khúc đó cho gia đình anh Thạch.

Mặc Lâm:Và trước khi từ giả, anh có lời gì cần chia sẻ với thính giả nghe đài hay không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Tôi xin cảm ơn anh vì tôi đã có dịp để nói lại một bài thơ mà thật ra thì nó cũng đã lâu, cũng đã cũ, nhưng dẫu gì đi nữa thì thỉnh thoảng cũng có người nghe, có người hiểu nó, có người bực mình nó…

Tản Mạn Về Chuyện Sáng Tác Ca Khúc

Quốc Dũng
2011

Người ta vẫn thường nghĩ, nhạc công là người chơi nhạc, nhạc sĩ là người viết nhạc, ca sĩ là người hát, mỗi người đóng một vai trò khác nhau trong việc thể hiện bản nhạc, nhưng thật ra, tất cả đều tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm, nếu không thì máy vi tính đã có thể làm được hết ?! Người nhạc công giỏi không phải chỉ biết đàn đúng theo bản nhạc mà phải tham gia sáng tạo những nuance, những câu feeling, đôi khi còn phải tham gia sáng tác thêm đoạn gian tấu (dựa vào qui ước của bản hòa âm). Ca sĩ cũng phải xử lý sáng tạo, trau chuốt từng câu hát để vừa toát được tinh thần bài hát vừa phù hợp với đặc điệm của chất giọng và phong cách riêng của mình. Kể cả người thu âm cũng tham gia sáng tạo nên sức sống của âm thanh thông qua việc xử lý âm thanh lớn, nhỏ, xa, gần, bay bổng, trầm lắng, vang dội…

quoc_ding_20121017_1369610221

Nhạc sĩ Quốc Dũng

Theo tôi, giới ca sĩ, nhạc công, đặc biệt là những ca sĩ đã thành danh hầu như ít nhiều đều đã tích lũy được một vốn liếng thẩm mỹ và âm nhạc nhất định. Do vậy, họ chỉ cần có đam mê và chịu khó dấn thêm một bước nữa là đã có thể viết nên những ca khúc phù hợp với chất giọng và tâm trạng của mình. Có thể nhắc đến các ca khúc thành công của ca sĩ Nhật Trường, Duy Khánh như những ví dụ khá điển hình cho trường hợp ca sĩ thành công trong lĩnh vực viết ca khúc.

Chỉ cần một chút kinh nghiệm về đàn hát, và chịu khó để ý học hỏi một chút nữa về nhạc lý căn bản, bạn đã có thể sáng tác ca khúc được rồi, vấn đề chỉ nằm ở chỗ ca khúc của bạn có chạm được đến trái tim người nghe hay không ? Và điều đó đòi hỏi bạn phải tích lũy một ít vốn liếng tối thiểu để bước vào hành trình sáng tác ca khúc.
Một ca khúc bao giờ cũng có hai thành tố gắn bó mật thiết với nhau là giai điệu và lời ca.
Để viết được những giai điệu đẹp và lời ca hay, điều đầu tiên bạn nên chú ý trau dồi là không ngừng nân cao thẩm mỹ âm nhạc của mình.

1/ Nâng cao thẩm mỹ âm nhạc

Bạn có thể làm giàu nhận thức về cuộc sống và cái đẹp bằng nhiều cách, nhưng theo tôi, để hỗ trợ cho việc sáng tác ca khúc, chúng ta nên quan tâm đến việc Nghe, Nhìn, Đọc. Tập nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau như : Pop, Rock, Jazz, Cổ điển, Dân ca..v..v… sẽ giúp bạn thấm dần những giai điệu đẹp, những qui luật biến đổi của hợp âm, nắm bắt được những thang âm (Scale) đã tạo nên âm hưởng của từng loại nhạc. Tôi khuyên bạn nên nghe nhiều nhạc hòa tấu của Paulmauriat (Người đã đạt tới đỉnh cao của nhiều thể loại âm nhạc và là nhạc sĩ hòa âm vĩ đại nhất thế giới hơn nửa thế kỷ qua). Và có thể nghe thêm dòng nhạc quê hương là những ca khúc hay và đầy học thuật của các nhạc sĩ thế hệ trước như ns Phạm Duy (Tình ca, Quê nghèo, Nương chiều, Em bé quê, Bà mẹ quê..v..v) Toàn là những tuyệt phẩm! Thêm vào đó, những tác phẩm của các nhạc sĩ đương thời đã in sâu trong lòng quần chúng như Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Lam Phương,…Việc xem phim, video clip và đọc các tác phẩm văn học, thơ ca cũng sẽ giúp bạn nâng cao thẩm mỹ của bạn theo thời gian.

Để đạt được kết quả tốt, bạn nên chịu khó nghe đi nghe lại thực nhiều lần những tác phẩm nào mà bạn thấy hay, nghe càng kỹ càng tốt.(.Vấn đề là chất lương, chứ không phải là số lượng.). Với tôi, riêng nhạc hòa tấu của Paul, tôi sưu tầm được gần 1000 bài, và đã nghe trung bình 1 giờ mỗi ngày trong hơn 30 năm qua.mà không chán! Việc nghe nhạc Paul đã giúp tôi dễ dàng và nhanh chóng làm hòa âm cho hàng ngàn bài nhạc trong nhiều năm qua và cũng đã giúp tôi khững kinh nghiệm rất hữu ích trong việc khai triển các chủ đề, motif và tạo nên những sa71c thái biến hóa thú vị trong ca khúc của mình.

2/Luyện kỹ năng chơi nhạc

Tác phẩm âm nhạc chỉ thật sự sống động khi được “vang lên”. Do vậy, bạn nên tập luyện sử dụng một nhạc cụ nào đó, tốt nhất là guitar hay organ, vì những nhac cụ này dễ dàng tạo tiết tấu và hợp âm, hỗ trợ cho bạn kiểm tra lại hiệu quả của giai điệu bạn mới nghĩ ra, cùng với hướng phát triển giai điệu đó. Việc sử dụng thuần thục một nhạc cụ sẽ giúp bạn sáng tác dễ dàng và dễ hay hơn.

Bạn nên học sơ qua về nhạc lý (những điều đơn giản thôi) đủ để hiểu về cao độ, trường độ của nốt nhạc, phách mạnh, phách nhẹ của mỗi ô nhịp. Và bạn cũng nên tập hát, chỉ cần giữ thẳng giọng, và không bị “phô”.Điều này giúp bạn thưởng thức một cách khái quát bài hát, trước khi nó hoàn thành.

3/Tìm cảm hứng và viết nhập đề cho bài hát

Quan trọng nhất của bài hát là câu mở đầu phải có âm hình đẹp và mới mẻ, vì đã có được câu mở đầu thú vị rồi thì phần kế tiếp chỉ là ứng dụng kinh nghiệm từ việc nghe nhạc để phát triển giai điệu.

Để có câu mở đầu mới mẻ, bạn nên nghĩ một đoạn lời trước (dựa trên chủ đề mà bạn muốn viết ), hoặc chọn một câu thơ nào đó mà bạn thấy hay. Rồi cố gắng lồng giai điệu vào, dựa trên một thang âm nào mà bạn thích, hoặc thấy phù hợp với nội dung sắp diễn tả. Thí dụ thang âm cổ điển Tây Phương cho sự luyến tiếc, mất mát, thang âm Ả Rập, Nhật Bản cho sự huyền bí, u uẩn, thang âm ngũ cung (Việt Nam, Trung Quốc) cho những tình cảm về quê hương, đồng quê…

Giai đoạn này, bạn đừng rớ tới cây đàn, đừng rải một accord nào lên để đầu óc đươc tự do bay bổng. Hãy dành nhiều thời gian nhất cho giai đoạn này để kiểm tra kỹ xem câu mở đầu này có …giống ai không ! Nếu chỉ giống dưới 50% thì OK, yên tâm mà khai triển tiếp. Đừng hy vọng rằng hoàn toàn không giống ai vì không thể có một bản nhạc nào trên đời mà không có một số câu na ná như nhiều bản nhạc khác. Ngay cả tới phần khai triển motif cũng vậy, sẽ là một sự tổng hợp của rất nhiều những bản nhạc đã có trước đây. Vấn đề đặt ra là sự khai triển phải có logic…Mà logic trong âm nhạc chính là phản xạ của tư duy, được tích lũy từ việc đã nghe nhiều nhạc phẩm hay và có giá trị của bạn.

Thông thường, sau câu mở đầu là một câu nhạc đối xứng, giống như cấu trúc của thơ thất ngôn bát cú trong Đường luật. Nghĩa là sẽ có từng cặp câu mà âm hình tương tự nhau, chỉ cách nhau một quãng nào đó. Khi khai triển xong câu 3 thì câu 4 sẽ lại có sự đối xứng với câu 3. Chỉ tới câu kết của mỗi đoạn mới hoàn toàn tự do để quay về chủ âm. Một bản nhạc muốn tạo một sự mới lạ thường thì chủ âm được dấu cho tới câu cuối cùng mới cho xuất hiện (như bài “Biển mộng“-QD chẳng hạn).

Khi đã tạm bằng lòng với câu nhập đề rồi thì bạn đừng nên viết lời tiếp nữa mà hãy hát đi hát lại nhiều lần câu mở đầu cho tới khi bật ra được câu nhạc kế tiếp. Từ câu thứ ba trở đi, bạn mới cần tới sự hỗ trợ của cây đàn, vì với những chuyển động của hợp âm (lệ thuộc vào trình độ chơi đàn và nghe nhạc của bạn) sẽ gợi ý cho những giai điệu kế tiếp.

Trong cấu trúc ca khúc hai đoạn, khi mới bắt đầu làm quen với việc viết ca khúc, bạn thường lúng túng khi phát triển đoạn B. Có nhiều cách khai triển đoạn B, nhưng bạn nên khai triển từ âm hình của đoạn A để tạo nên sự nhất quán và thống nhất của toàn bài. Tất nhiên là không phải lặp lại hoàn toàn mà phải vận dụng sự những thủ pháp thay đổi về tiết tấu, cao độ, chuyển điệu để làm phong phú cho giai điệu. Và công việc sẽ càng lúc càng dễ hơn cho tới lúc hoàn tất phần giai điệu. Lúc này bạn mới nên quay lại nghĩ tiếp phần lời cho toàn bộ giai điệu của bài hát. Nên nhớ bạn đừng hăng say viết lời trước nhiều quá rồi mới nghĩ tới phần nhạc, vì như thế đến khi tìm giai điệu cho phù hợp, sẽ bị trói buộc vô lời ca., mà một ca khúc hay thì cái chính vẫn là phần giai điệu. Một bản nhạc thực sự hay phải là bản nhạc chỉ dùng để hòa tấu mà vẫn..hay !

Bản nhạc thành công (nổi tiếng) chưa chắc đã là bản nhạc hay, mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.(Chưa nói tới ca sĩ trình bày và phần hòa âm) . Phần lời là một yếu tố rất quan trọng. Lời rất dễ gây sự chú ý của người nghe nếu như nó có những ý tưởng thật mới mẻ và ngộ nghĩnh. Một vài ca khúc của tôi được yêu thích có lẽ chính là nhờ phần lời, như: “Mai“, ” Chuyện 3 người,“. Các nhac sĩ khác cũng khá thành công trong phần lời ca như Nguyễn Ánh 9 với “Không“, Song Ngọc với “Đàn bà“.., Thanh Tùng với “Một mình“, Trần Tiến với “Chị tôi“..v..v…Đối với tôi thì nếu như không thể đạt được cả nhạc và lời cùng xuất sắc như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,thì tôi luôn xem phần nhạc là quan trọng hơn lời, bởi tôi luôn mong muốn để lại cho đời những bản nhạc hòa tấu hơn là những ca khúc.

Sau cùng ,khi tác phẩm đã hoàn tất, bạn nên nhờ một nhạc sĩ đàn anh hay một ca sĩ giàu kinh nghiệm nghe qua để thẩm định lại, bạn sẽ nhận ra đươc những thiếu sót của mình. Ca sĩ Bảo Yến cũng đã từng góp ý cho tôi nhiều câu nhạc rất hay, và theo tôi biết, ca sĩ Hương Lan cũng đã từng chỉnh lại hay hơn nhiều nốt nhạc của vài nhạc sĩ chuyên về dòng nhạc quê hương.

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đang làm quen với việc viết ca khúc, nhiều ca sĩ cũng tham gia viết ca khúc. Đó lànhững dấu hiệu đáng mừng, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều ca khúc phong phú, đa dạng. Sáng tác được một ca khúc là điều không khó, nhưng để có được một ca khúc hay không phải là điều dễ. Nhưng nếu không khởi hành làm sao bạn có thể đến đích ? Cứ mạnh dạn sáng tác đi, rồi dần dần bạn sẽ có được nhưng tác phẩm hay.

Để khép lại bài viết những chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác ca khúc này, tôi muốn dẫn lại lời của nhà sản xuất Nik Venet, một lời nhận xét sâu sắc mà tôi rất tâm đắc mỗi khi cầm bút viết một ca khúc:

Ai cũng viết. Ai cũng hát.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều nói lên sự thật.
Những sự thật làm rung động lòng người.”

Quốc Dũng
Sài Gòn 2011

Nguồn: http://amnhac.fm/index.php/tan-nhac/5019-tan-man-ve-chuyen-sang-tac-ca-khuc

Giá trị thật của nhạc sến ( Mặc Lâm. Biên Tập Viên RFA)

Sự thật hai chữ nhạc sến phát suất từ Nhạc sĩ Phạm Duy, ông chỉ nói đùa thôi vì hồi trước 75 những bản nhạc mà người ta gọi là nhạc sến ngày nay hồi đó người ta gọi là nhạc phổ thông.
-Ca sĩ Chế Linh
Người ta cứ lấy tôi ra làm chuyện chê bai nhạc sến nhạc xưa họ cố tình hiểu sai để dư luận như thế chứ tôi đâu có nhận xét gì hay phán xét gì về nhạc sến nhạc xưa….
-Nhạc sĩ Quốc Trung

Vần, và Thông vận, Nhất Lang

Bài biên khảo của NHẤT LANG
để giúp hiểu rõ thêm về Vần, và Thông vận
Trích từ ‘Tập làm thơ – Quy tắc căn bản”
by Nhất Lang.

—————————————————

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

1) TIẾNG BẰNG:

Tiếng BẰNG là những tiếng KHÔNG DẤU, và những tiếng có DẤU HUYỀN, thí dụ như hai chữ “THƠ” và “TÌNH”, cả hai chữ này đều là tiếng BẰNG ! Tiếng BẰNG là những tiếng có giọng ÊM dịu, có thể đọc kéo dài ra được.
*Phân loại : Tiếng BẰNG có HAI LOẠI: THƯỢNG BÌNH THANH, và HẠ BÌNH THANH.
Nói cách khác, Thượng Bình Thanh là tiếng BỔNG, Hạ Bình Thanh là những tiếng CHÌM hay TRẦM.
Nhất Lang dùng hai chữ thí dụ trên để nói tiếp:
-“THƠ” là tiếng KHÔNG CÓ DẤU, ta gọi là tiếng BỔNG!
-TÌNH là tiếng CÓ DẤU HUYỀN, ta gọi là tiếng CHÌM hay TRẦM!
Tiếng Bổng và tiếng Trầm chan hòa với nhau tạo ra âm điệu du dương, làm bài thơ hay hơn. Nếu ta chỉ dùng 1 loại tiếng trong một câu thơ thì âm điệu sẽ rất ngang và trúc trắc.

2) TIẾNG TRẮC :

Bên cạnh những tiếng BẰNG, chúng ta còn cần phải làm quen với những tiếng TRẮC. Tiếng TRẮC là những tiếng có giọng đọc ngắn, không kéo dài ra như tiếng BẶNG . Những tiếng có chữ C, CH, P, T đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều là những tiếng TRẮC.
Cũng như tiếng BẰNG, TRẮC có tiếng TRẦM và BỔNG – tiếng TRẦM của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu HỎI và NẶNG, tiếng BỔNG của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu SẮC và NGÃ.
Hai chữ “Lãng” và “Mạn” đều là tiếng TRẮC, “Lãng” là tiếng BỔNG, “Mạn” là tiếng Trầm hay Chìm.

3) KẾT HỢP BẰNG TRẮC :

Mỗi câu thơ đều nên có tiếng BẰNG và tiếng TRẮC, và vì hai loại tiếng khác nhau, nên ta phải xếp sao cho tiếng nọ chế tiếng kia, thì khi đọc sẽ tìm thấy một âm điệu du dương. Nói tóm lại, mỗi câu thơ nên được xếp sao cho mỗi loại tiếng chan hòa với nhau, có nghĩa là cố giữ sao cho câu thơ 8 chữ phải có ít nhất 3 tiếng BẰNG, 5 tiếng TRẮC hoặc ngược lại… nếu được 4 tiếng này, 4 tiếng kia thì càng tốt; câu thơ 8 chữ mà chỉ có 1 tiếng BẰNG và 7 tiếng TRẮC, thì câu thơ ấy thiệt là chướng tai ghê lắm.
Cho dù câu thơ có mấy chữ đi nữa, BẰNG và TRẮC nên được cân đối với nhau, tuy nhiên không đòi hỏi phải bằng số !
*Điều quan trọng :
Văn thơ khác hơn âm nhạc ở chỗ chữ BẰNG không thể nào hợp VẬN cùng chữ TRẮC. Nghĩa là chữ TÌNH có thể vần cùng chữ MÌNH, nhưng không thể vần cùng chữ TÍNH.
Luật định : BẰNG vần với BẰNG, TRẮC vần với TRẮC.

4) KẾT HỢP TRẦM BỔNG :

Tiếng Bổng và Trầm được xếp ra sao thì là do biệt tài của mỗi người, ta không có luật định rõ…
Tuy nhiên, TRẦM và BỔNG được xem là nhất định ở chữ thứ 6 và thứ 8 trong câu BÁT của thơ Lục Bát. Nếu tiếng BỔNG được dùng ở vị trí chữ thứ 6 thì tiếng TRẦM nhất định phải được dùng ở vị trí chữ thứ 8. Và ngược lại, nếu chữ thứ 6 đã là tiếng TRẦM, thì chữ thứ 8 nhất định phải là tiếng BỔNG. Nếu 1 loại tiếng được dùng ở cả hai vị trí nói trên, thì câu thơ ấy sẽ bị mất đi âm điệu của thơ.
Các bạn đọc thử hai câu thơ này:
Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em VỀ.
Các bạn đọc lại hai câu này:
Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em TÔI.
Hai câu trên đọc nghe chướng tai lắm, vì cả hai tiếng TRẦM đều được dùng ở vị trí thứ 6 và 8 trong câu Bát (câu có 8 chữ).
Hai câu dưới đọc nghe êm tai, vì hai loại tiếng khác nhau (Trầm và Bổng) đã được dùng vào vị trí chữ thứ 6 và 8 trong câu Bát.

5) VẦN :

VẦN – Nghĩa là những tiếng có cùng một ÂM HƯỞNG; hai tiếng có cùng giọng phát âm thì VẦN với nhau được… hai tiếng không VẦN với nhau thành ra LẠC VẬN, trái luật thơ !
Tuy hồn thơ, lời và ý đều quan trọng, nhưng nếu bài thơ không có VẦN thì không gọi là thơ. Cho dù là thơ MỚI (không chú trọng đến luật) cũng cần phải có VẦN thì bài thơ mới hạy
*Tiếng BẰNG vần với tiếng BẰNG, tiếng TRẮC vần với tiếng TRẮC… không có điều ngoại lệ!

a-Vần chính của vần BẰNG :

A vần với A hoặc À, E vần với E hoặc È, AN vần với AN hoặc ÀN, INH vần với INH hoặc ÌNH.
Một thí dụ cho vần chính của vần BẰNG:
Pháo nổ dồn, pháo nổ DỒN,
Pháo đang xâu xé tâm HỒN lẻ loi. …
Trong hai câu LỤC BÁT trên Nhất Lang đã dùng vần chính của âm ÔN …
Mắt em hãy nghiền nhắm,
Anh tặng một nụ HÔN,
Cho em ấm cả HỒN,
Mộng liêu trai chìm đắm.
Bốn câu trên được viết theo thể loại thơ MỚI (5 chữ), hai chữ cuối của câu 2 và 3 phải vần nhau, và Nhất Lang cũng đã dùng vần chính của âm ÔN. NHẮM và ĐẮM chỉ là trùng hợp, hai chữ này không cần phải VẦN nhau.

b-Vần chính của vần TRẮC

-Á với Á, Ả, Ã, hoặc Ạ vần với nhau.
-É với É, Ẻ, Ẽ, hoặc Ẹ vần với nhau.
Một thí dụ cho vần chính của vần TRẮC :
Cứ mỗi độ chiều về bên SUỐI,
Anh trộm nhìn đắm ĐUỐI dáng hoa.
Vần chính của vần TRẮC đã được dùng trong hai câu SONG THẤT trên.

c-Vần thông của vần BẰNG :

Vần thông là những tiếng không có cùng một ÂM như các vần CHÍNH, nhưng có cùng một giọng PHÁT ÂM, có thể ăn vận với nhau được.
Nếu không am hiểu vần THÔNG chúng ta rất dễ bị LẠC VẬN khi làm thơ. Vì thế khi muốm dùng vần thông, chúng ta cần phải hiểu rõ luật vần thông.
Theo kinh nghiệm và cách nhìn của Nhất Lang thì người miền Nam thường hay bị lầm lẫn về vần THÔNG hơn ( Nhất Lang chỉ nói là thường – riêng Nhất Lang cũng là người miền Nam.
VẦN THÔNG là những tiếng có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau khi ta phát âm.
Nhất Lang cố gắng đem vào đây hầu hết những VẦN THÔNG mà chúng ta thường gặp … Các bạn và các em cố gắng chú ý : CẦN NHẤT LÀ NÊN THUỘC LÒNG những vần Thông này, nếu không thì nên dùng chỉ vần chính mà thôi !

TÓM TẮT các VẦN THÔNG của vần BẰNG

-A và Ơ thông với nhau. Ơ và Ư thông với nhau
(Nhưng A và Ư KHÔNG thông với nhau được !)
-E, Ê và I thông với nhau
-O, Ô và U thông với nhau
-AI thông với AY. AI thông với tất cả các ÂM sau đây: OI, ÔI, ƠI, ƯƠI, UI, Nhưng, AY, tuy thông với AI nhưng không thông với các ÂM trên ! Tất cả những ÂM trên THÔNG với nhau.
-AO thông với AU. AU thông với ÂU, Nhưng AO không thông với ÂU. AO thông với tất cả các âm sau: EO, ÊU, IÊU, IU, ƯU Nhưng AU và ÂU không thể thông.
-AM thông với ƠM
-ĂM thông với ÂM
-ÊM thông với IM và EM
-AN thông với ƠN
-ĂN thông với ÂN và UÂN
-EN, IN, IÊN, và UYÊN thông nhau
-ON, ÔN và UÔN hoặc UN thông nhau
-ANG và ƯƠNG thông nhau. ƯƠNG và UÔNG thông nhau. Nhưng ANG không thông với UÔNG.
-ĂNG, ÂNG, và ƯNG thông nhau
-ONG, ÔNG, và UNG thông nhau
-ANH, ÊNH và INH thông nhau

*LƯU Ý :

***ĂN và ĂNG, ÂN và ÂNG, hay UN và UNG, ON và ONG, ÔN và ÔNG vv… không thông nhau.
Những chữ có “G” theo sau nhất định chỉ thông với những chữ có G theo sau ! Đây là điểm mà Nhất Lang nhìn thấy người có giọng phát âm của miền Nam hay bị lầm vì sơ ý hay theo thói quen. (Nhất Lang lắm khi cũng không ngoại lệ)
***NHẮC LẠI : Khi Nhất Lang bảo là THÔNG thì có nghĩa là những ÂM ấy VẦN với nhau được !

d-Vần thông của vần TRẮC

Vần thông của vần TRẮC cũng dựa theo nguyên tắc như những vần thông của vần BẰNG.
Vần thông có nguyên âm đứng cuối :

-É, Í, Ẻ, Ỉ, Ẽ, Ĩ, Ẹ, Ị thông với nhau.
Cũng như vần BẰNG tất cả những âm I có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều có thể thông với những âm Y có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG, nhưng Y không thông được với E.
-Ổ, Ũ, Ó, hay Ộ, Ú, Ọ thông nhau
-Ọ và ỦA thông nhau (tất cả các âm O và UA có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều thông)
-ĨA và UỆ thông nhau
-ÁO, IỄU, ẢO, YẾU, ÉO, ỈU, ỮU và tất cả các đồng âm có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần được.
-ÓI, ẢI, Ội, ỠI, ƯỢI, ÚI và các đồng âm có các dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần nhau được.
-ẤC và ỰC thông nhau
-ẠM, ỢM, ÁM, ỞM thông nhau
-ẶN và ẨN hay UẨN thông nhau
-ÓNG và ÚNG
-ẬT và ẮT
-ẬT và ỨT
-ÚT và UỐT vv…

Tóm lại : vần thông của vần TRẮC không khác chi vần thông của vần BẰNG về ÂM, tuy nhiên ta cần hiểu rõ khác biệt giữa TRẮC và BẰNG.

6) GIEO VẦN

Sau đây là các điều đáng nhớ trong sự GIEO VẦN:

* A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C, M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC… AM, ĂM, ÂM… AN, ĂN, ÂN… AP, ĂP, ÂP… AT, ẮT, ẤT vv… Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước!
Thí dụ: BÁT thông được với BẮT hay BẤT, mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay MẤT… tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP “AT” theo sau.
*TAM thông với TĂM hay TÂM, mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM… tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP “AM” theo sau.
*TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN vv…

a-Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm với một phụ âm đứng cuối: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ta nên lấy 2 chữ cuối cùng làm VẬN CĂN, Có nghĩa là dựa theo hai chữ cuối cùng mà gieo vần…

Thí dụ:
-EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN
-ÂN vần với UÂN
-ƠN vần với OAN
-ON vần với UÔN

b-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm với 2 phụ âm
Thí dụ như chữ ƯƠNG… thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN.
Cho nên : ƯƠNG vần với ANG,
Cũng nên nhớ : ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô, nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A.

c-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm :

Khi có loại âm này thì ta nên theo âm điệu mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN.
Thí dụ:
-OA, OE, UÊ, UY… thì vận căn là A, E, Ê, Y; nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y.
-UÂY vần với ÂY
-IA, UYA, UA, ƯA… vận căn là I, Y, U, Ư, mà chữ A đứng cuối không ảnh hưởng chi cả.
-I vần với IA
-A vần với IA trong chỉ một chữ GIA, không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác, như TIA, KIA…
-Ư vần với ƯA
-Ô vần với UA vv…

d-Lưu ý :
-Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau !
-Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần được !

Các bạn và các em đọc lại tất cả các bài trên đây để làm quen và có gì thắc mắc, cứ hỏi… Nhất Lang sẽ cố gắng trả lời theo khả năng của mình.
Sau khi mọi người thông qua từ BẰNG & TRẮC, BỔNG & TRẦM, VẦN CHÍNH & VẦN THÔNG thì mình sẽ bắt đầu nói đến THƠ LỤC BÁT !
Những bước trên là những điều căn bản mà các anh chị, các bạn, và các em cần phải hiểu khi bắt đầu tập làm thơ.
Nhất Lang mong rằng những điều ghi trên giúp ích được cho các anh chị, các bạn, và em muốn làm quen cùng nguyên tắc làm thơ. Bài kế tiếp Nhất Lang sẽ bắt đầu nói đến những loại thơ.
Chúc tất cả vui vẻ và thành công!

-Nhất Lang-

Thơ phổ nhạc

Vài Nét Thơ Phổ Nhạc

 

Ðỗ Bình

Hành trrình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn, nơi ẩn chúa những mối tình thiêng liêng sâu kín nhất. Phải chăng làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời trổ nhánh đâm hoa và đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế.

Thi nhân nặng nợ với tình thơ nào khác chi kiếp tằm nhả tơ ? Người nghệ sĩ ước mơ lớn nhất của họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm, hay ít bài thơ đắc ý. Dù mai sau tác giả có đi vào quên lãng thì những vần thơ trác tuyệt đó cũng dệt cho đời những đóa hoa muôn sắc. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương ; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng. Nhưng ngay cả lúc hữu hình, hồn thơ hóa thể thành sợi khói, vầng mây…chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được ? Phải đợi đến lúc con tim rung cảm thúc đẩy, hồn thơ nhập vào thi nhân thơ mới bật. Thơ vốn sãn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa, nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ thơ lại rất khác với văn xuôi mà chỉ có những tâm hồn thơ mới cảm nhận được. Nhà thơ không làm công việc của nhà lý luận, nhà khoa học, nhà thần học hay triết gia…để tìm cái mới lạ trong thế giới hiện hữu, cái huyền bí của vũ trụ..vv..nhưng thi nhân có thể sống với với tôn giáo, luân lý qua tâm linh để phát hiện thêm lẽ đạo của cuộc đời, và sống triết qua thơ ? Thi sĩ Bùi Giáng đã thở bằng thơ trong bài đi vào cõi thơ, thi sĩ minh họa : « …Cõi thơ là cõi bồng phiêu ».

Nhập vào thơ là sống trong cõi phiêu bồng. Cây khô cành chết làm sao có thể nở hoa, thơ cũng thế chỉ nở rộ ở những tâm hồn nghe được tiếng thở của con tim. Nhưng nghe được mới chỉ là cảm nhận giữa người và thơ cùng có chung một tần số. Muốn diễn tả những rung cảm đó qua thơ cần phải có thi hứng, mà thi hứng là do thiên phú, nhưng từ thi hứng đến nghệ thuật là bước khá dài, đòi hỏi nhiều nghiên cứu học hỏi. Thơ có thể là vần hay không vần, nhưng đó chỉ là một trong những chất liệu dự phần của cấu trúc trong quá trình hoàn thành thơ. Một chuỗi câu, nhóm từ, cắt ráp kiểu tiền chế được kết lại, nếu chỉ dựa vào vần dễ biến thành bài vè. Và một số câu , nhóm từ không vần nếu không có các yếu tố khác phụ thêm để hoàn chỉnh thơ, cũng biến thành đọan văn xuôi thiếu mạch lạc và trong sáng.

Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của «lờì», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh». Trong thơ có chứa:Tư tưởng, triết lý, tôn giáo, hội họa, âm nhạc… ngoài những chất liệu như ngôn từ, hình tượng, vần điệu, niêm luật, ẩn dụ, hoán dụ…trong cấu trúc để hình thành nên thơ, riêng thơ Việt Nam và thơ Trung Hoa còn có thêm chất họa và nhạc.

Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm con người. Ngày nay người ta còn dùng âm nhạc trị bệnh tâm thần(musicothérapie).

Âm nhạc gồm những đặc tính : cao dộ, trường độ, cường độ,và âm sắc, được ký hiệu bởi những hình nốt. Nghe những giai điệu dìu dặt khoan thai người thưởng lãm có cảm giác lạc vào cõi thiên thai, thơ mộng. Riêng thơ chưa có một định nghĩa nào là mẫu mực, « người ta chỉ cảm thơ là một môn nghệ thuật của nghệ thuật, phát xuất từ cảm xúc tâm hồn. »

Nói đến ca khúc, người ta thường có thói quen nghe nhạc qua cảm âm dựa trên lời ca mà ít chú ý đến thẩm âm, phần cấu trúc gồm giai điệu, tiết tấu, hay cávh phối khí hòa âm vv… . « Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sãn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát. Nhưng đọc thơ, hát thơ hay còn gọi là ngâm thơ hoàn toàn khác với nhạc thơ. Ðọc và hát thơ không cần áp dụng những quy tắc kỹ thuật cũng như mỹ thuật quá phức tạp của âm nhạc, vì nhạc trong thơ là những âm phát từ thanh bằng trắc của câu thơ ; trong khi thơ trong nhạc hay còn gọi là tính nhạc gồm những hình tượng, ngôn ngữ được ngắt nhịp theo tiết tấu riêng để diễn tả giai điệu toàn bài chuyên chở tứ thơ.Ví dụ: Thuyền Viễn Xứ, thơ Hà Huyền Chi, Phạm Duy phổ nhạc. Mộng Dưới Hoa, thơ Ðinh Hùng, phạm Ðình Chương phổ nhạc. Nguyệt Cầm, thơ Xuân Diệu, Cung Tiến phổ nhạc. Tình Khúc Thứ Nhất, thơ Nguyễn Ðình Toàn, Vũ Thành An phổ nhạc. Màu Tím Hoa Sum, thơ Hữu Loan, Dzũng Chinh phổ nhạc. Mái Tóc Dạ Hương, thơ Ðinh Hùng, Nguyễn Hiền phổ nhạc. Chiều Tím, thơ Ðinh Hùng, Ðan Thọ phổ nhạc. Áo Lụa Hà Ðông, thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạcvv….Trong giai đọan đất nước còn mịt mù khói lửa chiến tranh, ở miền Nam người nghệ sĩ vẫn tự do sáng tác, một qố nhạc phẩm trữ tình có ca từ đượm chất thơ đã diễn tả thân phận con người trong thời loạn hay diễn tả sự nuối tiếc về những cuộc tình dang dở ; mà nhiều ca từ đượm chất hương thơ hơn một số bài thơ «làm dáng » sáng tác vội vã cho có số lượng, được gọi là dòng thơ «cách tân» hôm nay ? Sự vung vít chữ nghĩa đó đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến những bài thơ có « tính khai phá sáng tạo » của những tâm hồn chân chính !Những người làm công việc khai phá, tìm kiếm những cái mới lạ là những người đã có sẵn vốn căn bản về thơ, cộng thêm kiến thúc. 

Xin hãy bước vào vườn hoa nghệ thuật để thấy mùa xuân bất tận của những ca từ trong nhạc, nó đượm đầy chất thơ và chứa sãn tính nhạc. Ðìển hình những lời ca  đã đi sâu vào lòng người, đó là những tài sản trong kho tàng của văn hóa dân tộc :

Trịnh Công Sơn :

… « Gió sẽ mừng vì tóc em bay

Cho mây hờn ngủ quên trên vai

Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh vạc về chốn xa xôi.. »

( Như Cánh Vạc Bay)

Phạm Ðình Chương :

« ..Người đi qua đời tôi

trong những chiều đông sầu

Mưa mù lên mấy vai

Gió mù lên mấy trời…

Hồn lưng miền rét mướt

Vàng xưa đầy dấu chân

( Người Ði Qua Ðời Tôi )

Lam Phương:

“…Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ

Ngfười về lạng lẽ, tình vẫn bơ vơ !

Thà rằng ôm kín mộng ước xa nhau

Quên đi cho hết một kiếp thương đau…”

( Thu Sầu)

Ngô Thụy Miên:

“…Nhớ tới năm xưa bên nhau

Bước trong chiều mưa phiếm du nhẹ đưa

Bến cũ đam mê say xưa lá thu còn rơi…

Mắt biếc năm xưa nay đâu, cánh sao còn đây

Tóc mây nào bay…Tình đã xa rồi !”

( Mắt Biếc)

Y Vân :

« …Rồi đây mây trên đồi vắng

 lang tìm kìm kiếm, đá xưa rêu mòn….

Biệt ly hôn nhau lần cuối…

Dư âm còn đây, lệ trong mắt ai… »

( Mắt Lệ Cho Người Tình)

Từ Công Phụng:

Thôi đừng tìm đến nhau làm gì !

Thôi, đừng tìm nhau nữa mà chi !

Ðường về nhà em xa lắm,

Tương lai chưa vừa tầm hái tay này.

Trời đọa đày cho cay đắng

 Nên ta không còn nương cánh nhau mà đi.. »

(Lời Cuối)

Lê Uyên Phương :

« …Ngày em thắp sao trời

Chờ trăng gió lên khơi

Mùa mưa bão tơi bời

Một ngày mưa bão không rời

Trên vai thanh xuân ướp hôn nồng trên gối đắm say

Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy

Cùng rót bao nhiêu ngày hoang

Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn..”

(Dạ khúc Cho Tình Nhân)

Vũ Thành An:

“…Một làn khói trắng

Ru đời vào quên lãng

Nâng sầu thành hơi ấm

Hơ dịu tình đau.

Ngày tàn im lắng

Yêu người làn tóc trắng

Tâm sự rồi đến đắng

Như lệ giờ biết nhau…“

( Bài Không Tên Số 7)

TRường Hải:

„..Những chiều không có em

Ngõ hồn sao hoang vắng.

Ôi! Dừng chân đây,

đường phố cũ

ngùi nhớ tới người em thơ

cùng bước dưới trời mưa lòng trao chuyện lòng…”

( Những Chiều Không Có Em)

Trường Sa:

“…Tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng

Chiều đông đưa những bước chân đau mòn

Chợt nghe mùa thu bay trên trời không

Còn ai giữa mênh mông đời mình?

Cho nỗi đau mù lấp tuổi thơ!…”

(Xin Còn Gọi Tên Nhau)

Phạm Duy:

“…Nha Trang ngày về

ngồi đây tôi lắng nghe

đê mê lòng tôi khóc

như oan hồn trách móc

Ôi trăng vàng lẻ loi! Ôi đời!

Trời biển ôi! Không có nuôi tình tôi.

Nha Trang biển này tình yêu không có đây

Tôi như là con ốc chui sâu vào thân xác lưu đày

Dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này!”

( Nha Trang Ngày Về)

Không thể trích hết lời ca đã từng vang bóng một thời của làng âm nhạc miền Nam. Những nhạc sĩ mang chút hồn thơ như:

Cung Tiến, Vũ Ðức Sao Biển, Hiếu Nghĩa, Thanh Trang, Hoàng Thi Thơ, Thu Hồ, Trịnh Hưng, Minh Kỳ, Hoài Linh,

Phạm Mạnh Cương, Dương Thiệu Tước, Ưng Lang, Khánh Băng, Huỳnh Anh, Châu Kỳ, Lâm Tuyền, Tuấn Khanh, Vũ Thành, Trầm Tử Thìêng, Anh Bằng, Lê Dinh, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Hoàng Trang, Ðỗ Lễ, Lê Hoàng Long, Thanh Bình, Văn Giẳng, Y vũ, Mai Châu, Phó Quốc Thăng, Thúc Ðăng, Hoài An, Duy Khánh , Anh Việt Thu, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Nguyễn Ánh 9, Trọng Khương,

Trúc Phương, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Hoàng Trọng, Nam Lộc ; Lê Hữu Hà , Nguyễn Trung Cang..vv….Ðó là chưa kể đến những nhạc sĩ thời tiền chiến, họ là những nhạc sĩ mang tâm hồn thơ, đã cống hiến cho đời những lời ca đượm đầy chất hương thơ hòa trong ý nhạc, dệt lên những giai điệu đặc sắc

Trong vườn hoa nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Phổ nhạc một bài thơ «cho có » thì rất dễ, vì chữ Việt Nam có dấu, âm điệu bằng trắc trầm bổng, uốn éo tự nó cũng đã chứa nhiều yếu tố ám nhạc. Ví dụ như câu hò xứ Hưế, người phổ chỉ cần biết qua hai âm giai trưởng thứ hay ngũ cung cũng có thể phổ bài thơ, nhưng đó chỉ là khai triển cái âm bằng trắc sẵn có trong câu thơ, nên thiếu vắng tính nghệ thuật của âm nhạc. Ðó là chưa kể người phổ đôi khi cắt xén bừa bãi câu thơ, vô tình làm hỏng ý thơ ! Tiếng Việt vốn đơn âm nhưng lại hàm xúc nhiều ý nghĩa ; nhất là ngôn ngữ vủa thi ca chứa nhiều ẩn dụ và hoán dụ. Ðối với những từ đơn, từ kép, từ ghép và từ láy là những chất liệu, giúp, cho tiết tấu câu nhạc thêm phong phú. Trong một câu, nhóm từ, nếu chỉ cần thay đổi vị trí cao độ, thanh âm những từ đó sẽ đổi, hay chỉ cần đảo chữ, thanh âm và ngữ nghĩa cũng thay đổi, đôi khi rơi vào trường hợp biến cung nghịch với quy luật âm nhạc. Ví dụ :

« Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát,

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông… »

( Nguyên Sa         )

Nếu người hát vô tình đổi vị trí cao độ và đảo ngữ ở hai câu cuối : « chợt mát, Hà Ðông » thành «mát chợt, Ðông Hả » thì qủa tội nghiệp cho thơ lẫn nhạc ! Chắc hẳn thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sẽ buồn biết chừng nào !?Nhưng có những bài thơ được nhạc sĩ cắt xén đảo chữ để hợp với giai điệu câu nhạc lại làm tăng phần nghệ thuật của bài thơ.Thân phận của thơ hôm nay thật hẩm hiu, ủ dột, vì bị lãng quên  trong cái không khí xô bồ, ồn ào quyến rũ của vật chất! Cũng may nhờ có giới nhạc sĩ và dịch giả, thơ mới có chỗ hòa điệu, nương cánh. Thơ được phổ thành nhạc dễ phổ biến rộng rãi đến công chúng. Nhưng một bài thơ tuyệt vời nếu đem phổ nhạc hoặc đem chuyển ngữ chắc hẳn sẽ làm nhạt đi ít nhiều « chất kỳ bí » chứa trong thơ.

Một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhạc, nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bài «hay», như đóa hoa chỉ nở một lần, nếu nhạc sĩ bắt được cái «tính nhạc» trong thơ. Cứ thử tưởng tượng thơ ẩn trong phiến lá, nếu ta đem đốt chiếc lá, tiếng reo của lá trong lửa là tính nhạc, và kkhi chiếc lá cháy hết chỉ còn những sợi khói bồng bềnh ; cái mong manh đó chính là cõi thơ, và mùi hương khói phảng phất vị lá phải chăng là hồn thơ ? Một bài thơ phổ nhạc được gọi là « xuất sắc » đòi hỏi người phổ phải am tường cả hai nghệ thuật thơ nhạc, nếu không, âm thanh của nhạc sẽ lấn át âm thanh của thơ làm biến thể chất thơ, biến bài thơ (poème) thành bài ca (chant, chanson). Do đó trước tiên người phổ phải yêu bài thơ và thuộc để có thể thả hồn theo ý thơ để bắt được cái tính nhạc trong bài thơ, sau đó người phổ phải nắm vững quy luật và mỹ thuật của âm nhạc để có thể ghi lại và diễn tả những tình cảm luyến láy, dìu dặt, nức nở, buồn vui qua nét nhạc…. giúp hồn thơ thăng hoa nhiễm cảm vào từng tế bào, thớ thịt người thưởng lãm. Người nghe không còn cảm thấy như nghe đọc thơ ở một giọng cao do những âm bằng trắc trầm bổng, lấn át nhau tạo nên. Sau cùng, nếu đem bản nhạc trình tấu và tách phần ca từ, phần nhạc phải mang đầy đủ tính mỹ thuật của nó như một bản nhạc không lời làm gợi cảm lòng người. Phải chăng đó mới là lúc hồn thơ nhập vàp nốt nhạc chấp cánh./.

Ðỗ Bình

Giao duyên thơ và nhạc

Giao duyên thơ và nhạc

Ca khúc là sự kết hợp giữa âm nhạc (giai điệu) và lời ca (ca từ). Vì vậy ca khúc còn được gọi là thể loại trung gian giữa âm nhạc và văn học.
Trong kho tàng ca khúc Việt Nam cũng như của thế giới có một bộ phận lớn ca khúc được phổ từ thơ. Ca khúc phổ thơ thường đạt được sự hoàn mĩ của nghệ thuật ca khúc. Trong quá trình sáng tạo ca khúc, thơ và nhạc luôn song hành với nhau. Thơ gợi mở cho âm nhạc và ngược lại âm nhạc chắp cánh cho thơ. Thơ giúp cho âm nhạc khám phá những âm thanh giai điệu. Nhạc truyền vào thơ sức bay bổng của nghệ thuật ngôn từ. Một bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc thì sức phổ cập của nó lớn hơn gấp nhiều lần so với bài thơ khi chưa phổ nhạc.
Công việc đầu tiên để phổ bài thơ thành ca khúc là phân tích bài thơ ấy để xác định ý, tứ mà định ra sắc thái cho giai điệu âm nhạc. Và quan trọng hơn là xem xét bài thơ ấy có nhạc tính không, nhạc tính là yếu tố quan trọng và thuận lợi cho việc phổ nhạc. Vậy thế nào là một bài thơ có nhạc tính? Một bài thơ được xem là có nhạc tính phải thoả mãn các yếu tố như: Có giọng điệu, ngữ điệu văn học cao; có độ dài, ngắn và bố cục gần với khúc thức của ca khúc; có sự phong phú về thanh, âm và hình tượng nghệ thuật.
Nói đến giọng điệu, ngữ điệu văn học ở đây chúng ta cần phân biệt nó khác với ngữ điệu chính luận. Về độ dài, ngắn bố cục của bài thơ khác với khúc thức của ca khúc rất nhiều. Bài thơ có độ dài, ngắn và bố cục tương đối tự do. Còn ca khúc thì ngược lại nó phải tuân thủ về độ dài, ngắn và bố cục gần như là niêm luật. Bài thơ có khi chỉ hai câu, hoặc bốn câu và có bài dài vài trang. Nhưng ca khúc thì không được phép như vậy. Ca khúc phải tuân theo bố cục 1 đoạn đơn, 2 đoạn đơn… 1 đoạn phức, 2 đoạn phức… Vì vậy khi phổ nhạc người phổ thường phải cân chỉnh lại bố cục của bài thơ để nó phù hợp với bố cục của ca khúc. Vấn đề thanh, âm của ngôn từ thơ cũng rất quan trọng vì đây là yếu tố tạo điều kiện cho sự thăng hoa của giai điệu âm nhạc. Ở đây xin nói thêm rằng phổ thơ, phổ nhạc là sự kết hợp giữa âm nhạc và thơ. Tuy nhiên trong âm nhạc có một đặc trưng mà trong thơ thường không có. Đó là sự liên kết nhắc lại của câu hoặc đoạn. Người ta nói rằng thuộc tính của âm nhạc là sự nhắc lại. Điều đó hoàn toàn đúng, âm nhạc luôn luôn là sự nhắc lại. Vì như đã nói trong thơ không có sự nhắc lại giống như âm nhạc. Sự nhắc lại trong âm nhạc được tiến hành theo hai cách; nhắc lại nguyên xi và nhắc lại mô phỏng.
Do sự khác nhau về đặc trưng giữa thơ và nhạc như đã nói trên, nên trong thực tế người ta phổ nhạc theo hai cách. Một là phổ nguyên văn bài thơ, trường hợp này tuy có nhưng rất hiếm khi. Hai là lấy ý thơ, phỏng thơ, cách làm này phổ biến hơn. Vì nó tạo cho người phổ sự chủ động và tự do hơn mà không bị gò bó, ràng buộc vào lời thơ.
Vấn đề ta vừa đề cập thuộc về phương pháp; tuy nhiên nắm được phương pháp là tốt, song chưa đủ mà cần phải có thêm một số thủ pháp nghệ thuật khác thì công việc phổ thơ mới trôi chảy được. Chẳng hạn như phân tích thanh, âm của tiếng Việt (tiếng Việt thuộc ngôn ngữ đơn âm và đa thanh) để đưa vào cao độ âm nhạc sao cho chuẩn xác. Có những thanh khi phát âm nó tạo ra sự luyến từ hai đến ba nốt nhạc. Mặt khác cũng cần nghiên cứu những âm đóng và âm mở của nguyên âm, phụ âm để xử lý những chỗ ngân dài trong âm nhạc. Hoặc nghiên cứu những từ kép nhằm xác định trọng âm và âm lướt của nó để đặt nó đúng vị trí phách mạnh, phách nhẹ đối với trọng âm và tiết nhịp trong âm nhạc. Ngoài ra còn phải cân chỉnh phân câu và câu của nhạc có ăn khớp với câu thơ hay không.
Một thủ pháp khác rất quan trọng khi phổ thơ. Đó là trường hợp có những bài thơ mang nội dung và phong cách viết về một địa phương, vùng miền nào đó. Trường hợp này liên quan đến vấn đề chất liệu âm nhạc. Chẳng hạn khi bắt gặp bài thơ viết về cố đô Huế, mang nét văn hoá Huế thì khi phổ nhạc cần phải sử dụng chất liệu dân ca và âm nhạc cổ truyền Huế, có như vậy mới lột tả hết cái hồn của bài thơ. Hoặc đối với những bài thơ có nội dung và phong cách Tây Nguyên thì nên dùng chất liệu âm nhạc Tây Nguyên để phổ là tốt nhất. Vấn đề này tuy không phải là sự bắt buộc, nhưng về lý luận âm nhạc người ta đã khẳng định: “Ngôn ngữ nào thì âm nhạc đó”.
Một vấn đề khác cần nói thêm, đó là có người cho rằng bài thơ phải hay thì mới phổ thành ca khúc hay. Điều này không hoàn toàn là như vậy. Bởi vì trong thực tế có những bài thơ chỉ bình thường, nhưng khi phổ nhạc nó trở thành ca khúc hay. Ngược lại có những bài thơ hay (thậm chí rất hay) nhưng không phổ thành ca khúc được. Cho nên việc phổ thơ thành ca khúc không phụ thuộc cứng nhắc vào sự hay, dở của thơ mà phụ thuộc chủ yếu vào việc bài thơ đó có hội đủ các nhân tố nhạc tính để phổ hay không. Tất nhiên nếu bài thơ dở quá thì chẳng ai phổ làm gì. Nói đến đây, ta lại phải nói thêm rằng thực chất của việc phổ thơ thành ca khúc là sự chuyển thể một tác phẩm văn học sang tác phẩm âm nhạc, và lời thơ đã trở thành ca từ; Tức là lời thơ bây giờ không phải để đọc mà chính là để hát, mà giữa đọc và hát là hai hình thức diễn đạt khác nhau, với những yêu cầu cách biệt.
Thơ và nhạc là hình thái nghệ thuật cao quý với những giá trị thẩm mĩ sâu sắc. Có thể nói ca khúc phổ thơ là qui trình sáng tác bao giờ cũng lấy thơ làm nền tảng cho tư duy nghệ thuật. Thơ và nhạc là đôi bạn đồng hành trên bước đường sáng tạo và còn hơn thế nữa, đó là sự cộng hưởng bền vững của một cuộc “Hôn phối” diệu kỳ.
(Báo Văn nghệ Trẻ)
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx…

stsg_news_large_26w41bewix26u01

TRAO đỔI VỀ THƠ PHỔ NHẠC VÀ CA TỪ ….

TRAO ĐỔI VỀ THƠ PHỔ NHẠC VÀ CA TỪ TRONG CA KHÚC
Nguyễn Quốc Đông

I.VỀ CA TỪNgười ta thường nói trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ vì thơ và nhạc là hai phần liên kết chặt chẽ trong một bài hát như xương với thịt. Nếu nói Phạm Duy là phù thủy về âm thanh vì những ca khúc của ông rất đa dạng phong phú về tiết điệu khúc thức thì Trịnh Công Sơn thường ví như là một phù thủy về ngôn ngữ. Thật vậy ca từ trong nhạc Trịnh thật đẹp, có người nói nếu bỏ phần nhạc ra thì Trịnh có một tập thơ giàu chất trữ tình không kém gì các nhà thơ nổi danh nên Trịnh thường rất ít phổ thơ (duy có bài Cuối cùng cho một tình yêu – phổ thơ Trịnh Cung). Do đó ai sáng tác mà có vốn ca từ phong phú thì lợi thế rất nhiều, hình thành một ca khúc tương đối hoàn chỉnh dễ nghe, mà sáng tác thì nó đến bất chợt trong một khỏanh khắc nào đó nếu ta có một nhạc đề (theme music) thì phát triển lên thành một ca khúc hoàn chỉnh. Một nhạc đề tốt ta phát triển thành giai điệu tốt cộng với lời ca hay chọn lọc thì có thể cho ra một bài hát thuyết phục người nghe.

Ta thấy có nhiều nhạc sỹ ngày xưa dùng từ rất khéo, mặc dù những từ ấy rất khó xài trong âm nhạc như bài Để trả lời một câu hỏi của Trúc Phương: thay vì dùng từ một năm rưỡi khó vô nhạc thì ông sử dụng cụm từ nầy:
Một nửa ba nămanh yêu tình áo giầy quân nhân… đường xuôi quân ghé lại đôi lần…Hay bài 7000 đêm góp lại của Trầm Tử Thiêng:
7000 đêmgóp lại thành lời, qua 7000 đêm những người trai thành sử rạng ngời, những người em thắm giọt son môi…
7000 đêm tính ra chưa đầy 20 năm chiến tranh Việt Nam (19 năm hơn) nhưng tác giả lại uyển chuyển dùng con số 7000 rất khéo mạch lạc không cưỡng âm…Bảy ngày đợi mongcủa Trần Thiện Thanh dùng những ngày trong tuần rất tự nhiên rất thơ mà không phải nhạc sỹ nào cũng xử lí ngôn từ nhuần nhuyễn được:
Chiều thứ bảyngười đi
Sao bóng anh chẳng thấy
Rồi nhẹ đôi gót hài chiều nghiêng bóng dài
Áo em dần phai
Sáng chủ nhật trời trong
Nhưng trong lòng dâng sóng
Chẳng thấy bóng anh sang
Nên thứ hai thu vàng nên thứ ba thu tàn, mùa đông thứ tư sang…
Ta biết trong thơ Việt, có hai cách gieo vần:
Gieo vần ở giữa câu (Yêu Vận hay “vần lưng”): Chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm bên trong câu dưới như trong thể thơ lục bát, chữ cuối câu có sáu chữ vần với chữ thứ sáu của câu tám chữ sau đó.
Gieo vần ở cuối câu (Cước Vận hay “vần chân”): Các chữ ở cuối câu vần với nhau.

Dựa vào đó các nhạc sỹ sáng tác ngày xưa rất cẩn thận trong việc gieo vần cho bài hát trơn tru dễ ca dễ nhớ.
Trong trường ca Hội trùng dương, Phạm Ðình Chương dùng các vần chân rất hay, mở đầu với dòng nhạc chậm rãi, vững chãi rất hợp với sự dẫn đạo của tiếng kèn trompet, nghe âm vang núi sông tình yêu dân tộc:
Trùng dương
Chốn đây ngàn phương
Có ba dòng sông
Cuốn xuôi biển đông
Nhắc câu chờ mong
(vần chân)

Cố NS Xuân Hồng là người rất lưu tâm đến vần điệu trong bài hát, đa số bài nào của ông cũng gieo vần, sử dụng vần lưng rất nhuần nhuyễn.
Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng,
Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
Về đường này thăm sóc Bom Bo
Tiếng nói ríu ra,
lời ca trong vắt,
Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người
Một nụ cười tin chắc tương lai.
Tiếng cười vui đẩy lui đêm vắng vẻ,
Có ai đi về phía những hàng cây,
Mời vô đây cùng nghe khúc nhạc hay,
Khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày.

Trong các tu từ tiếng Việt có từ láy, các nhạc sỹ cũng thường dùng trong ca khúc cho lời thêm bóng bẩy, giàu hình ảnh nhưng phải biết lựa chọn cho hợp lí,ví dụ: có từ láy nói xuôi nói ngược vẫn có nghĩa như: yêu thương, ái ân, thướt tha, kết đoàn…., nhưng có từ không nói ngược được rất vô nghĩa như vui vẻ, tung tăng, âu yếm, du dương (không thể dùng tăng tung,vẻ vui được)

Vẫn có những bản nhạc nổi tiếng mà từ ngữ chưa hợp lí nhưng người ta nghe đã lâu và quen rồi cảm thấy bình thường. Vd: bài Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ:
Đường xưa lối cũ,
có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ
Nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con…

Lẽ ra là dùng hoàng hôn mới đúng nhưng do nhạc sỹ kẹt về cao độ nhưng đổi thành hôn hoàng.

Bài DaLat hoàng hôn của Minh Kì: khách du tìm đến thành phố ngàn thơ,nhặt hoa thấy buồn lòng không bến bờ…

Bài Thành phố của tôi– Phan Nhân:
Làm rỡ rạng núi sông người ra đi trên bến nhà Rồng
Một tiếng còi tiễn đưa bôn ba đường cứu nước
Làm rỡ rạng núi sông người ra đi trên bên nhà Rồng.

Do đó ta thấy ca từ trong ca khúc chỉ mang tính chất tương đối mà thôi,làm sao người nghe có thể chấp nhận được là ổn.
Ngoài ra khi sáng tác cũng nên chú ý ca từ cho phù hợp với cao độ, lời nghe không rõ thì cũng khó cảm thụ bài hát lắm. Ở những năm thập niên 80 bài Chiều hạ vàng rất nổi tiếng, nhưng có một đoạn lời không rõ vì không phù hợp cao độ:
Em hát đi ru ngủ giấc chiều nay(nghe như em hát đi dù ngủ gật chiều nay)
Một bài học cho các nhạc trẻ: lời bài hát và giai điệu có phù hợp đẹp đẽ hài hòa nhau thì dễ thành công hơn, dễ vào tai người nghe.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHỔ THƠ

Bạn nên lưu ý những điểm sau đây:
1- Không nên có xu hướng lấy thơ các nhà thơ lớn để phổ để dựa hơi, nếu ta làm không tới thì hạ thấp giá trị bài thơ như những năm báo chí có phê bình vụ lấy bài Đây Vĩ Dạ thôn của Hàn Mặc Tử phổ nhạc nhưng không đạt vì bản thân bài thơ đã quá hay rồi. Thơ và nhạc khi nào có tiếng nói chung hòa điệu nhau tự khắc ta sẽ có một bài hát phổ thơ khá hoàn chỉnh. Nhạc sỹ Lê Yên (tác giả bài Ngựa phi đường xa) từng nói: Muốn phổ thơ phải trị được thơcó nghĩa nhắc nhở chúng ta cẩn trọng khi muốn phổ thơ.

2- Về nguyên tắc tất cả các thể loại thơ đều có thể phổ nhạc được, nhưng theo kinh nghiệm sáng tác của một số nhạc sỹ thì thông thường ta nên phổ thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ dễ hơn trong việc phát triển câu nhạc, đoạn nhạc và tạo bố cục khá cân phương, giai điệu nghe mạch lạc hơn (vì trong bài thơ đã phân ra từng phần rồi). Còn dạng thơ lục bát hay song thất lục bát hơi khó phổ nếu không khéo thành ra như hát theo.

3- Để bài nhạc được người nghe chú ý, nói cách khác, để bài nhạc còn lưu lại trong đầu người nghe sau khi nghe bài nhạc, bạn nên nhắc lại những câu hay, câu lạ, có ý nghĩa sát chủ đề của bài thơ.

4- Không nên quá nhiều chi tiết trong một bài thơ, nhất là những điều ít liên quan tới chủ đề của bài nhạc. Cần tập trung vào chủ đề càng khít khao, càng nhiều càng tốt.

5- Một bài thơ, luôn luôn có niêm luật và có vần. Nhưng một bài nhạc có thể nhẹ bớt, nhưng phải lưu ý dùng những từ có âm mở cho những từ cuối của các câu nhạc, đoạn nhạc và bài nhạc, vì những từ cuối cùng luôn có trường độ dài. Với âm mở có thể ngân dài dễ dàng.

6- Vỉ lý do trên đây, đôi khi người nhạc sĩ phổ nhạc phải đổi hoặc đảo một vài từ – thường là từ cuối của đoạn nhạc, nhưng luôn phải có sự đồng ý của tác giả bài thơ.

+ Phổ thơ có nhiều cách:
– Có thể phổ nguyên bài thơ hay gần hết bài thơ (như bài Ngậm ngùi thơ Huy Cận – nhạc Phạm Duy)
– Có thể do khúc thức bài hát chúng ta chỉ phỏng thơ hay lấy ý thơ mà thôi
– Trường hợp ngoại lệ rất hiếm, người ta lấy ý từ một cuốn truyện để phổ nhạc như bài Vết thù trên lưng ngựa hoang của Phạm Duy là lấy ý từ cốt truyện cùng tên của Duyên Anh.Sau đây là một vài dẫn chứng về các bài nhạc phổ thơ thành công. Chúng ta cùng nhìn lại bài thơ Thuyền viễn xứcủa Huyền Chi mà Phạm Duy phổ nhạc mới thấy cái tài của nhạc sỹ: vì đây là bài thơ lục bát rất khó phổ. Nguyên tác bài thơ:
Lên khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bóng tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần giạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi tiếng hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường lại điPhạm Duy đã sửa đổi thành câu 6 chữ:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người…

Đoạn cuối:
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường

Tiếng Sáo Thiên Thai từ một bài lục bát có âm điệu lay lắt pha một chút nhớ nhung tiếc nuối, Phạm Duy đã chuyển thành một bài ca có âm điệu lúc tươi vui như cảnh Thiên Thai, lúc ray rứt tiếc nhớ. Ví dụ như cái câu “Làn mây ngừng lại sau đèo — mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi” được biến thể trở thành một câu rất tươi,ngọt ngào lãng mạn:“Hò ơi làn mây ơi, ngập ngừng sau đèo vắng, nhìn mình cây nhuộm nắng, và chiều như chìm lắng — Bóng chiều… không đi”.

Bài Tiễn em, nguyên tên của Cung Trầm Tưởng là Chưa bao giờ buồn thế, kết thúc:
Trời em mơ có sao,
Mình anh đêm ở lại
Trời mùa đông Paris
Không bao giờ có sao

Phạm Duy đã đổi thành:
Nơi em có trăng sao
Anh một mình rét mướt
Trời mùa đông Paris
Suốt đời thèm trăng soi

Ở Tây Ninh cũng có một số nhạc sỹ phổ thơ khá thành công như NS Lê Hữu Trịnh với bài Đuổi theo vầng trăng (thơ Vĩnh Thuyên), Đi tìm đồng đội cũ của Nguyễn Đình Hồng (thơ Phan Kỉ Sữu), Tình khúc tháng giêng của Lê Hồng Tăng (thơ Mộng Trung Nhân), Giữa những tiếng ve ngân của Nguyễn Quốc Tây (thơ Đặng Mỹ Duyên), Lang thang mưa,Mây bay về núi của Nguyễn Quốc Đông (thơ Vĩnh Thuyên,Nguyên Hạ)…

III.LỜI KẾT

Một ca khúc thành công nó có đời sống âm nhạc rất dài và cũng có một chút may duyên yếu tố bất ngờ khách quan của nó. Ai sáng tác cũng muốn ca khúc của mình sống lâu và mọi người ái mộ,nhưng được như thế còn phải cố gắng nhiều,tùy thuộc vào tài năng nữa. Khi một bài hát nổi danh nhiều khi các nhạc sỹ cũng bất ngờ.

NS Võ Đông Điền kể về con đường lận đận của bài Tiếng hát chim đa đa – bài nầy anh sáng tác đã lâu, nhiều người trình diễn ở Bình Dương nhưng không thành công. Rồi trong một dịp anh lên Sài Gòn chơi và đưa cho NS Vy Nhật Tảo nhờ giới thiệu và sau đó bài này được ca sỹ Quang Linh hát thì từ đó mới tỏa sáng được.

Bài Quê hương của Giáp Văn Thạch (phổ thơ Đỗ Trung Quân) sáng tác từ năm 1984 mà không ai để ý. Tới giai đoạn nước nhà mở cửa cho người Việt xa quê đã lâu về nước, họ rất thích bài nầy và từ đó được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước.

Tóm lại,các bạn cần phải biết những điều căn bản gì để có thể viết một ca khúc?

Theo tôi, bạn cần biết 3 điều: ký âm (solfège), hoà âm (harmonie), và cấu trúc (composition). Đó là những vấn đề về kỹ thuật mà người viết nhạc cần biết; ngoài ra, bạn cần phải có một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, biết yêu thơ, văn, và kể cả hội họa v.v. Nếu tìm ra được một nhạc đề thì phát triển giai điệu ngay, chưa có thời gian thì ghi âm lại để đó từ từ thực hiện, nếu không sẽ quên đi muốn làm lại cũng không nhớ.

Bạn nên biết ít nhất một nhạc cụ để giúp bạn trong việc thử lại bài hát hoặc hòa âm.
+ Cách tốt nhất là viết cùng lúc cả nhạc và lời. Có một số nhạc sĩ viết lời sau khi viết xong một đoạn nhạc. Nên tránh viết lời trước khi viết nhạc, và truờng hợp viết lời trước chỉ xảy ra khi phổ thơ. Có một số nhạc sĩ chỉ chuyên viết phần nhạc, còn lời thì có người khác viết.
+Viết lời cho một ca khúc rất quan trọng. Lời ca phải súc tích, gợi cảm và chứa đựng một nội dung sâu sắc. Về mặt kỹ thuật, lời ca viết sao cho phát âm dễ dàng.
Âm nhạc hiện nay rất phát triển và hiện đại xem như một công nghệ về âm thanh, chúng ta cũng phải hòa nhập theo nó cho phù hợp xu thế, một ca khúc muốn thành công ít nhất phải nhờ các yếu tố sau: Sáng tác – trình diễn – khán giả thưởng thức.Nếu 3 yếu tố nầy trên mức trung bình thì có thể nói bài hát của ta xem như thành công

Dẫn nguồn từ: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/16/1425

sang tac nhac

Nghệ sĩ đăng Khánh và nhạc phổ thơ

image

Nhạc sĩ Đăng Khánh

Trong chương trình âm nhạc cuối tuần phát thanh tối ngày 14/7 về chủ đề những ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Chúng tôi đã trích đăng ý kiến của nhạc sĩ Đăng Khánh vì sao các nhạc sĩ lại lựa chọn những bài thơ khác nhau để phổ nhạc, điều gì lôi cuốn và hấp dẫn các nhạc sĩ khi “dệt” nhạc vào thơ.

Và hôm nay, chương trình âm nhạc được hân hạnh tiếp chuyện với nhạc sĩ Đăng Khánh để nghe ông chia sẻ về những kinh nghiệm và kiến thức khi phổ nhạc cho một bài thơ. Trước hết, nhạc sĩ Đăng Khánh cho biết những điểm khác biệt giữa việc phổ nhạc cho một bài thơ và tự tay người nhạc sĩ viết cả lời lẫn nhạc cho một bài hát.

Nhạc phổ thơ không đơn giản

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Để có một bản nhạc hay phổ từ một bài thơ hay là một việc làm tỉ mỉ và khó khăn. Khó khăn hơn là việc mình tự sáng tác ra một bản nhạc cả lời lẫn nhạc. Có nhiều không để ý điều này, khi thấy một bài thơ mình thích, cầm lên đọc, ngân nga vài câu lên bổng xuống trầm khi nhanh, khi chậm là đã có cảm giác mình làm xong một bản nhạc, thực ra thì đó mới chỉ là xướng lên giai điệu có sẵn trong một bài thơ, nhất là thơ lục bát của Việt Nam chúng mình.

Nếu có nhiều người cùng phổ nhạc cho một bài thơ lục bát thì sẽ có rất nhiều phần trăm là các bài có giai điệu gần giống như nhau. Vì khi đọc hay xướng lên bài thơ đó thì vần điệu đã có sẵn trong bài thơ rồi, nhiều khi người nhạc sĩ chỉ ghi xuống giai điệu đã có sẵn ở trong đó và giá trị của bản nhạc lúc đó sẽ xuống thấp lắm, chỉ còn khoảng 20 – 30% thôi là bởi vì cả ca từ và giai điệu đều đã có sẵn của người thi sĩ cài sẵn trong bản nhạc rồi. Đó là một trong những điểm khó, bởi vì nếu không để ý và tránh thì mình sẽ vấp phải lỗi đó.

Ngoài ra, còn có những quy luật khác khi “dệt” nhạc của mình vào một bài thơ. Một trong những kỹ thuật cần thiết phải biết là các sử dụng các thang âm khác nhau để diễn tả tâm tình hay cốt truyện ở trong bài thơ đó. Tôi lấy thí dụ thế này, nếu tôi phải phổ một bài thơ tình thật lãng mạn cho một cô gái thiếu nữ thành thị sống ở Sài Gòn, Hà Nội, Paris hay DC chẳng hạn, thì tôi sẽ dùng một thang âm Tây Phương, thất cung 7 nốt. Nếu anh gặp cô gái ấy ở miền thượng du Bắc Việt, thì bản thân tôi chắc chắn sẽ dùng thang âm 5 nốt ngũ cung, ngũ cung Bắc Á, ngoài phía Bắc Việt Nam. Thang âm ngũ cung Bắc Á này cùng gốc với thang âm Mông Cổ.

Trường hợp thứ ba, nếu cô gái sống ở Cao Nguyên trung phần, ở Pleiku, Dalak, Radhe chẳng hạn, thì tôi sẽ phải sử dụng thang âm ngũ cung Tây Nguyên là Chàm Radhe cùng gốc với thang âm Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cùng hết, nếu một cô gái viết bài thơ là người Mỹ đen ở miền Nam New York, thì tôi lại phải sử dụng thang âm blue 6 nốt để phổ một bài theo điệu blue jazz.

Đấy là một trong những yếu tố cần thiết để phổ nhạc cho một bài thơ. Thang âm là điều đầu tiên để xác định ngôn ngữ của nhân vật, rồi sau đó là những kỹ thuật khác để diễn tả tâm tình vui buồn, khổ đau, cay đắng hay là những tâm tư đen tối, sa đọa tù đày ở bên trong suy nghĩ của người viết bài thơ đó. Nếu tất cả những điều trên đây, ở trong âm nhạc, ở trong văn hóa của mình tuôn ra thì nó dễ, còn so với việc mình phải dệt nhạc của mình vào một bài thơ có sẵn, mà phải theo những quy luật hay kỹ thuật cần có để có một tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì nó khó hơn.

Nhạc sĩ Đăng Khánh: “Để có một bản nhạc hay phổ từ một bài thơ hay là một việc làm tỉ mỉ và khó khăn. Khó khăn hơn là việc mình tự sáng tác ra một bản nhạc cả lời lẫn nhạc.”

Xin quay lại với nhạc sĩ Đăng Khánh, khi chúng tôi hỏi ông liệu những bài thơ trúc trắc, không theo vần điệu thì người nhạc sĩ sẽ gặp khó khăn gì khi đưa nhạc của mình vào bài thơ và việc chọn lựa của người nhạc sĩ khi giữ nguyên tác một bài thơ hay phải đổi lời một số đoạn trong bài thơ khi phổ nhạc. Nhạc sĩ Đăng Khánh chia sẻ tiếp:

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Như anh Vũ Hoàng mới nói là khó khăn nhưng thật ra nó lại có ưu điểm trong một bài thơ không có những thể điệu đã cài sẵn trong đó, thí dụ như những bài thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú chẳng hạn thì nó có vần điệu sẵn trong đó rồi, cho nên nếu mình phổ nhạc bài thơ đó, mình phải tìm cách thoát ra khỏi vần điệu đó vì mình muốn âm nhạc của mình cài vào hay dệt vào trong bài thơ đó, chứ mình không muốn mượn giai điệu có sẵn trong bài thơ đó để làm ra một nhạc phẩm vì hóa ra đó là nhạc phẩm của ông thi sĩ đó với cả lời lẫn nhạc hay sao.

Thực ra, những bài thơ ít vần điệu, có sự trúc trắc ở trong đó, nếu mình khắc phục được nó, để mình chuyển vần điệu của mình vào, chuyển giai điệu của mình vào và áp dụng được những quy luật của âm nhạc để cho nó có một bản nhạc có giá trị. Một bản nhạc có giá trị là một bản nhạc có đầy đủ giai điệu hay nhưng quy luật phải đúng, phân câu phải đúng… Trong trường hợp đó, mình phải có sự phấn đấu với bản nhạc đó thì đó là ưu điểm để mình phát huy được âm nhạc riêng của mình dệt vào trong bài thơ.

Thành ra, riêng cá nhân tôi thích chọn lựa, nếu mình yêu thích một bài thơ mà mình định phổ nhạc, thì tôi muốn chọn lựa những bài không có vần điệu cài sẵn, tức là những bài thơ tự do, những bài thơ trúc trắc, nhưng không thể là trúc trắc quá, vì nếu vậy, thì mình sẽ phải đổi quá nhiều lời của mình.

Cho nên, việc phổ nhạc cho một bài thơ, trên nguyên tắc là mình không giữ nguyên bài thơ được, vì nếu muốn cho đúng vần điệu, hay nói cho đúng là đúng là đúng cấu trúc một bản nhạc, thì có những chỗ không thể bẻ theo âm điệu cài sẵn trong bài thơ, hay độ dài ngắn có sẵn trong bài thơ, mà mình phải tự tạo ra phần giai điệu của mình.  Do đó, phải đổi cả lời và chữ trong một vài chỗ và không làm sai ý của bài thơ, để bài nhạc của mình, nó là một bài thơ phổ nhạc của mình chứ không phải là đọc lên bài thơ của thi sĩ.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh